Lựa chọn ống kính cho máy ảnh Canon- Phần 2: Nâng cao


III.7. Những ống kính chất lượng khá, tiêu cự dài của Canon.
Canon chế tạo những ống kính tiêu cự dài rất đối lập: hoặc loại rất chậm, rất rẻ và chất lượng thấp hoặc loại rất nhanh, rất đắt và chất lượng rất cao. Ống kính 70-300 4.5-5.6 IS USM là chiếc có thể nên cân nhắc đầu tiên. Canon chưa hề sản xuất bất kỳ ống kính một tiêu cự cỡ dài nào với chất lượng tầm tầm, tất cả các ống kính một tiêu cự dài hơn 135 mm đều là dòng L.

Một số ống kính Canon trong khoảng tiêu cự 75 đến 300 mm (chỉ khác nhau chút đỉnh) như:
75-300 4-5.6
75-300 4-5.6 USM
75-300 4-5.6 II
75-300 4-5.6 II USM
75-300 4-5.6 III
75-300 4-5.6 III USM
Tất cả số này đều có chất lượng quang học như nhau, chỉ khác chút xíu vẻ bên ngoài (ví dụ phiên bản mark III có một vạch bạc ở đuôi chỉ để gây ấn tượng cho người mua) và động cơ lấy nét. Tất cả đều có giá không đắt lắm nhưng chất lượng quang học cũng chỉ kha khá. Ở góc rộng nhất (75mm) chúng không quá tồi, nhưng ở góc hẹp nhất (200-300mm) ảnh có xu hướng bị mờ. Muốn tăng chất lượng ảnh bạn phải khép khẩu nhỏ hơn f/8 hoặc f/11 và điều này đòi hỏi một tốc độ chụp chậm hơn.
Các ống kính 75-300 USM có mô tơ lấy nét USM dạng siêu nhỏ và không hỗ trợ canh nét tay toàn phần (FTM- full time manual), những ống còn lại dùng mô tơ chậm và ồn hoặc chỉ dùng động cơ một chiều. Tuy giá không cao nhưng nhóm ống kính này đều có ngàm gắn kim loại nhưng không in thước đo, các ống kính này còn một bất tiện nữa khi lắp kính lọc phân cực vì vòng xoay lấy nét lắp ở đầu ống.
75-300 4-5.6 IS USM: Một ống kính đáng kể trong dòng 75-300 có ổn định hình ảnh, đây là ống kính đầu tiên lắp ổn định hình ảnh của Canon, tuy vậy, chất lượng quang học chỉ tầm tầm như các ống 75-300 khác.
70-300 4.5-5.6 IS USM: Không nên nhầm với ống rẻ tiền hơn là 75-300 hay với ống mắc hơn có thấu kính DO tuy cùng tên gọi. Ống này có chất lượng quang học khá, có ổn định hình ảnh và khá tốt cho dân nghiệp dư tay nghề cao. Ống không được nét như 100-300 5.6L, nhưng hệ thống ổn định hình ảnh khiến sử dụng ống thuận tiện hơn.
70-300 4.5-5.6 DO IS USM: Một ống kính khá hiếm và là ống kính đầu tiên sử dụng các thấu kính nhiễu xạ (DO), công nghệ này khiến ống kính nhỏ và nhẹ hơn các ống bình thường. 70-300 DO ngắn hơn đáng kể so với người anh em 75-300 và được trang bị ổn định hình ảnh, tuy nhiên nó chẳng rẻ chút nào và bạn không nên lẫn nó với các ống không có DO.
90-300 4-5.6 USM: Ống này có màn trình diễn khá giống ống 75-300 rẻ tiền, chỉ có điều miền tiêu cự bắt đầu từ 90mm. Có lắp USM nhưng là loại siêu nhỏ (micromotor) nên không hỗ trợ canh nét tay toàn phần.
100-300 4.5-5.6 USM: Xét về chất lượng chế tạo và diện mạo vật lý, ống này bằng vai với 28-105 3.5-4.5 USM và 24-85 3.5-4.5 USM, một ống kính chắc chắn, nhanh, lấy nét bằng USM dạng vòng hẳn hoi, hỗ trợ canh nét hoàn toàn bằng tay, không bị xoay đầu ống khi lấy nét và có in thước đo tỷ lệ. Ống này nét hơn 75-300 một chút xíu ở tiêu cự dài nhất, tuy nhiều người cho rằng chẳng có khác biệt nào cả!. Về cơ bản 100-300 USM cho bạn tốc độ lấy nét nhanh và thuận tiện thao tác hơn dòng 75-300 nhưng chất lượng quang học thì chưa có cải tiến, bạn cũng bị mất 25 mm tiêu cự và một nửa khẩu độ ở tiêu cự ngắn.
70-210/3.5-4.5 USM: Tiền thân của 100-300 4.5-5.6 USM, giống hệt kích cỡ, kết cấu và chất lượng quang học chỉ khác về vùng tiêu cự thôi.
100-300 5.6L: Một ống kính cũ, hiện không còn sản xuất nữa. Một ống kính khá hấp dẫn, trong khi đây rõ ràng là ống kính dòng L với thấu kính fluorite và thấu kính UD thì nó lại không được cơ bắp lắm như các ống kính dòng L hiện nay. Ống này dùng mô tơ lấy nét kiểu AFD chậm và ồn, ống có nút chuyển giữa lấy nét tự động và lấy nét tay khá bất tiện (vì độ nghiêng thấp) và tỷ mẩn (khó trượt). Vòng lấy nét tay như bị vướng sạn khi xoay. Tuy thế chất lượng quang học tốt hơn nhiều loạt ống 75-300 và 100-300 USM, vì vậy nếu không quan tâm lắm đến khẩu độ tối đa chỉ 5.6 và mô tơ lấy nét vừa ồn vừa chậm thì đây có lẽ là lựa chọn tốt cho túi tiền vừa phải.
50-200/3.5-4.5 L: Giống 100-300 5.6 L, đây là thế hệ ống kính ngàm EF đầu tiền dòng L, chất lượng quang học y như ống L hiện nay nhưng độ cường tráng không bằng, chỉnh tiêu cự bằng cơ cấu kéo- đẩy. Một ống kính không hề tồi, nhưng có lẽ vẫn thua 70-200 4L USM, một ống kính không đắt lắm mà vẫn có chất lượng chế tạo tốt và USM êm ái.
70-200 4L USM: Nhỏ hơn và nhẹ hơn so với ông anh 70-200 2.8L USM dành cho dân chuyên nghiệp, một món hời cho dân dùng EOS. Đắt hơn ba lần so với các ống kính phổ thông nhưng cứng cáp hơn, lấy nét nhanh hơn vì USM, có FTM (full-time manual), quan trọng nhất là chất lượng quang học tốt hơn nhiều. Ống này to và nặng hơn các ống phổ thông nhưng là lựa chọn đáng giá nếu bạn không cố được lên 2.8L. Ống không dùng kính lọc 77mm to tướng như dòng 2.8L mà dùng loại 67mm giống 24-85 3.5-4.5 USM. Hơi đáng tiếc là rất ít ống kính Canon khác dùng kính lọc đường kính loại này.
80-200 4.5-5.6
80-200 4.5-5.6 USM
80-200 4.5-5.6 II: Ống kính vỏ nhựa, tương tự 28-80, tuy vậy rất nhẹ và cơ động, nếu bạn muốn một ống kính không quá đắt và không bao giờ phóng ảnh quá cỡ một bưu thiết thì đây là lựa chọn hữu ích.
100-300 5.6: Chất lượng chế tạo gần được như 100-300 5.6L, một ống kính kiểu cũ có tất cả các nhược điểm của 5.6L nhưng lại không có chất lượng quang học như ống L
III.8. Ống kính chụp chim hoang dã
Việc chụp ảnh thú hoang nhỏ, nhanh là một lĩnh vực rất khó và đòi hỏi những ống kính rất đắt tiền. Các ống kính 500 đến 600 mm thường được dùng trong trường hợp này, kể cả ống 100-300 thông dụng của bạn cũng không đủ dài để có được những bức ảnh đẹp. Khó một nỗi, các ống dài hơn 300mm rất đắt và cũng rất nặng. Thực tế khá phũ phàng, bạn có thể có được những bức ảnh khá với ống 100-300 chụp thú cảnh nuôi trong nhà chứ khó với được tới các bức ảnh ấn tượng in trong sách về động vật hoang hay trong các tờ lịch- những con chim bé tí đầy cả khung hình. Bạn luôn phải chụp ở 300mm và sau đó cắt đi toàn bộ phần bao quanh và rồi chất lượng tấm ảnh giảm rõ rệt.
Nếu bạn thực sự hứng thú với lĩnh vực này với ngân sách eo hẹp thì nên nghĩ đến ống kính cũ, chỉ lấy nét bằng tay. Những ống kính dài đã qua sử dụng, lấy nét tay rẻ hơn khá nhiều so với các ống lấy nét tự động.
III.9. Ống kính cho ảnh thể thao
Lĩnh vực này cũng khá giống lĩnh vực trên. Thách thức của ảnh thể thao và ảnh hành động nằm ở hai điểm: bản chất tự nhiên của loại ảnh này chủ đề thường di chuyển rất nhanh và luôn luôn có khoảng cách lớn giữa đối tượng và máy ảnh.
Giải quyết vấn đề đầu tiên, ống kính phải rất nhẹ, sử dụng flash hoặc phim độ nhạy cao nhưng điều này chứa đầy mâu thuẫn: ống kính nhanh thì thường to, nặng và đắt, tăng ISO thì tấm ảnh lại sạn và chất lượng thấp, dùng flash thì đôi khi không đáp ứng được yêu cầu nhất là khi đối tượng quá xa máy ảnh.
Vấn đề thứ hai đòi hỏi phải dùng ống kính dài, nhưng hầu hết các ống kính dài lấy nét tự động kha khá một chút thì lại chậm- chúng không lấy được nhiều ánh sáng, điều này làm vấn đề đầu tiên trở nên nan giải hơn.
Tất nhiên, đôi khi cả hai vấn đề trên đều trở nên dễ thở hơn, chẳng hạn nếu bạn chụp một trận bóng rổ mà bạn ở ngay gần sân đấu, vì sân bóng rổ khá nhỏ nên bạn có thể xài flash (nếu được cho phép) và không cần đến ống kính quá dài.
Dù sao thì các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn phải dựa vào các ống kính nhanh, một sản phẩm mà dân nghiệp dư ít khi với tới được vì quá đắt. Những ống kính tiêu cự dài nhanh, đặc biệt là loại đa tiêu cự nhanh thì vô cùng đắt. Mọi lựa chọn đều có những điểm dở của nó:
Ống kính nhanh. Hãy kiếm một ống kính nhanh nhất mà bạn có thể (độ mở tối đa là lớn nhất có thể), 70-200 2.8 khá tốt để chụp bóng rổ, 75-300 4-5.6 thì có lẽ không, vì ngay khi mở hết cỡ bạn vẫn cần tốc độ rất chậm gây ra các phần ảnh mờ không mong muốn.
Ống kính tiêu cự dài. Bạn sẽ cần một ống kính dài trừ khi bạn muốn và có thể áp sát chủ đề, chẳng hạn không cần ống kính dài nếu chụp một ván trượt trên đường phố, nhưng nếu chụp bóng đá thì lại khác.
Cắt bớt. Bạn có thể tạo hiệu quả khá giống ống kính dài bằng cách cắt bớt những phần thừa của ảnh, thủ thuật này phóng to ảnh lên và dĩ nhiên là cũng phóng to các yếu điểm như sạn, hạt do độ phân giải thấp.
Hệ thống ổn định hình ảnh. Hữu dụng để giảm thiểu sự rung của máy ảnh nhưng chẳng có giá trị gì trong việc bắt chết một khoảnh khắc của một đối tượng đang chuyển động.
Đèn flash. Hiệu quả trong cả việc mô tả cũng như “bắt chết”, tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng được sử dụng nó.
Độ nhạy phim/ISO. Tăng ISO là cần thiết để tăng tốc độ chụp, mặt trái của nó là giảm chất lượng ảnh.
Thân máy lấy nét nhanh. Một thân máy chuyên nghiệp như dòng EOS 1 có thể khoá cứng tiêu cự rất nhanh và chính xác, giảm thiểu thời gian trễ từ lúc bấm máy đến lúc ghi hình. Một thân máy phổ thông khó thực hiện điều này nên cũng khó tạo ra những bức hình hoàn hảo.
Mô tơ lấy nét nhanh. USM dạng vòng của Canon lấy nét cực nhanh, trong khi dạng AFD thì chậm hơn. Một ống kính với mô tơ lấy nét nhanh luôn tạo ra sự khác biệt giữa các bức ảnh đạt và không đạt.
Tóm lại, nếu bạn định gắn ống kính phổ thông 75-300 4-5.6 lên thân máy thì đừng hy vọng sẽ có được các bức ảnh như trong tạp chí thể thao. Điều này không có nghĩa là bạn không thể tạo ra các bức ảnh như vậy với thiết bị trên mà chỉ có ý rằng để tạo ra các bức ảnh như vậy là thử thách vô cùng lớn, nó đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và cả sự may mắn chộp được những khoảnh khắc hiếm hoi. Nói chung bạn sẽ phải đối mặt với nào là đối tượng chụp bị mờ, nào là độ nét và tương phản thấp nếu sử dụng các ống kính tiêu cự dài phổ thông.
III.10. Ống kính gương, một cách rẻ tiền để có tiêu cự dài !.
Một số hãng độc lập chế tạo các ống kính gương, được biết cả dưới cái tên ống kính khúc xạ thấp (catadioptric). Những ống kính này dùng thêm một cặp gương phản chiếu để hướng ánh sáng bổ sung cho các thấu kính bình thường khác. Ưu điểm của các ống kính này là rẻ hơn, nhẹ hơn và ngắn hơn các ống kính bình thường khác có cùng tiêu cự. Ống kính gương tiêu cự 500mm đến 1000mm không hiếm, các nhà sản xuất của Nga cho ra rất nhiều ống loại này.
Khổ nỗi, ống kính gương có nhiều điểm bất tiện. Thứ nhất nó chỉ có thể lấy nét tay. Thứ hai, nó là các ống kính chậm, khẩu độ chỉ khoảng f/8. Thứ ba, nó không có các lá kim loại mắt mèo, nên chỉ có cách chỉnh thời chụp bằng cách chỉnh tốc độ, độ nhạy phim hay bằng … kính lọc. Thứ tư, gương phản chiếu thường gây hiệu ứng tạo ra các vòng tròn hoặc dẹt quanh các điểm sáng ở vùng không được canh nét, hiệu ứng này có thể gây sao nhãng việc xem ảnh.
Thứ năm, chất lượng quang học không cao, rất khó chụp được chim chóc cho ra hồn.
Rốt cuộc, ống kính này chỉ thu hút sự chú ý của ngân sách eo hẹp mà thôi, nó có quá nhiều hạn chế. Phương án xài ống kính lấy nét tay (đã qua sử dụng), chế cho vừa máy ảnh của bạn hoặc xài một thân máy lấy nét tay có lẽ hợp lý hơn. Suy cho cùng, nhiếp ảnh vẫn là một thú chơi đắt tiền !.
III.11. Ống kính cận cảnh và ống kính có khắc chữ “MACRO”
Mắt người chỉ có thể nhìn rõ trong một khoảng cách nhất định (thay đổi theo tuổi tác), khoảng cách có thể lấy nét của các ống kính cũng khác nhau. Đa phần các ống kính đều được thiết kế để lấy nét trong khoảng 1 m hoặc 2 m, với ống kính tiêu cự dài khoảng cách lấy nét tối thiểu còn lớn hơn cả giá trị trên.
Đặc điểm này báo hại bạn khi muốn chụp các bông hoa ở khoảng cách cực gần, lúc này bạn cần khoảng lấy tiêu cự ngắn hơn nữa. Cơ bản thì bạn luôn muốn làm đầy cả khung hình với các cánh hoa, một khái niệm mới xuất hiện- hệ số phóng đại. Thường thì ảnh macro thực sự là các tấm ảnh tỷ lệ 1:1 hay nhỏ hơn. Nói cách khác ống kính với hệ số phóng đại 1:1 có thể chụp một vùng nhỏ bằng đúng cỡ của khung hình, với phim 35mm vùng này có kích thước 24x36mm. Đôi khi hệ số phóng đại được ghi theo dạng thập phân như 0.25x hoặc 1.0x
Các nhà sản xuất ống kính thường phóng khoáng ghi thêm chữ “MACRO” lên ống kính như một thủ thuật bán hàng vậy. Một ống kính với chữ “MACRO” hầu như chẳng có ý nghĩa gì, bạn phải xem kỹ đặc tính của ống. Nếu ống kính có thể chụp với tỷ lệ 1:1 hoặc 1:2 thì đó thực sự là một ống macro, phù hợp để chụp cận cảnh, vài ống được thiết kế để có thể chụp các đối tưởng phẳng, dẹt như một con tem mà không gặp trở ngại gì về canh nét. Những ống kính chỉ đạt tỷ lệ cỡ 1:4 không thể cho các bức ảnh cận cảnh thực sự.
Các ống kính macro thường có chất lượng quang học cao hơn và giá cũng cao hơn các ống thường, chúng có thể chụp các đối tượng nhỏ, phẳng, dẹt. Đây cũng là lựa chọn tốt kể cả khi bạn không chụp cận cảnh nhiều, vì bạn luôn có thể dùng chúng cho các mục đích nhiếp ảnh thông thường khác mà còn lợi hại ở chỗ các ống kính này lấy nét được gần hơn các ống kính khác.
III.12. Ống kính chụp chân dung
Bất kỳ ống kính nào cũng có thể chụp chân dung, tuy nhiên kết quả khác nhau nhiều phụ thuộc vào chiều dài tiêu cự của chúng.
Khi bạn chụp bán thân, khoảng cách từ bạn đến mẫu phụ thuộc chiều dài tiêu cự, ống kính góc rộng khiến bạn phải đứng gần mẫu hơn, ống kính tiêu cự dài thì ngược lại, bạn phải đứng xa mẫu hơn.
Khoảng cách này ảnh hưởng đến sự phối cảnh, hãy thử nghiệm mà không cần máy ảnh, nếu bạn đứng thật gần ai đó, bạn sẽ thấy mũi bị nổi bật nhất, trán như bị nghiêng đi, nếu đứng ra xa thì mặt trông phẳng lại. Một sự biến dạng nhẹ trên gương mặt có thể khiến gương mặt trông như được tôn thêm vẻ kiêu ngạo, quan cách, nhưng thực tế ống kính góc rộng thường cho ra những bức hình chân dung tức cười và kỳ cục.
Nhiếp ảnh gia chân dùng thường xài ống kính tiêu cự 85 đến 135mm để chụp bán thân tuỳ từng mục đích. Một số nhiếp ảnh gia thời trang dùng ống 200 đến 300mm để mô tả hiệu ứng dẹt, phẳng. Bạn có thể dùng ống 50mm hoặc ngắn hơn nhưng chúng thường làm biến dạng gương mặt, ống kính loại này lại khá thích hợp khi chụp toàn thân hoặc ngang lưng.
Canon có một số ống kính thông thường cho chụp chân dung, ống 85mm 1.8, nhẹ và nét, ống 135mm 2.8 SF, có chức năng tiêu điểm mềm (soft focus) cho ra những tấm ảnh mềm mại.
Lưu ý là chiều dài tiêu cự đưa ra ở đây là cho máy phim 35mm, nếu bạn xài máy APS hoặc máy khung hình nhỏ, chiều dài tiêu cự tương ứng phải nhỏ đi. Ống kính 50mm hơn ngắn khi chụp chân dung nếu lắp trên máy 35mm, nhưng nếu lắp trên máy EOS 10D nó hoạt động như ống 80mm lắp trên máy phim vậy.
III.13. Ống kính mắt cá (fisheye lens).
Đa phần ống kính đều được thiết kế để biến một khung cảnh lên trên một mặt phẳng của khung hình, vì vậy nó luôn chuyển chính xác những đường thẳng song song vẫn thẳng, vẫn song song trên tấm ảnh cuối cùng. Đây là một bí quyết trong công nghệ sản xuất ống kính vì các hệ thống quang học thông thường luôn chuyển các đối tượng lên trên các mặt cầu (như nhãn cầu của mắt người vậy). Yêu cầu này càng khó khăn hơn nếu góc nhìn rộng hơn như trên các ống kính góc rộng, đây là một trong những lý do khiến ống kính góc rộng có giá cao như vậy.
Không phải ống kính nào cũng có được khả năng lưu ảnh nói trên giống nhau. Những ống chất lượng cao, đặc biệt thuộc nhóm cận cảnh hoặc chuyên chụp kiến trúc, thể hiện khả năng trên rất tốt. Những ống rẻ hơn tạo ra các tấm ảnh hơi biến dạng (phình ra hoặc lõm vào kiểu tang trống), vậy là khi chụp một hình vuông chẳng hạn, kết quả là một hình bị méo cạnh, vì các đường thẳng song song bị biến thành các đường cong. Thực tế, tất cả các ống kính đều có hiện tượng này, chỉ có điều chúng ta không nhận ra, vì hiếm khi ta chụp một hình vuông hoặc một hình chữ nhật.
Ống kính mắt cá là một ống kính góc rộng hoàn toàn không thèm để ý gì đến việc khắc phục hiện tượng méo ở trên. Chỉ có các đường thẳng đi qua tâm khung hình mới giữ nguyên thẳng trong tấm ảnh cuối, tất cả các đường thẳng khác đều bị uốn cong, càng gần rìa ảnh, càng cong hơn. Hiệu ứng này khiến những vật ở gần có vẻ càng gần hơn, những vật ở xa lại càng xa hơn, nếu bạn từng nhìn qua lỗ kính để quan sát trên một số cửa ra vào bạn cũng thấy hiện tượng này.
Đôi khi người ta gọi ống kính “thẳng” là ống “chính xác”, ống mắt cá là ống “biến dạng”, thực ra mọi chuyện chỉ là tương đối. Chính ống “thẳng” mới không chính xác- ống góc rộng có độ méo lớn và cố kéo dài các cạnh ra để tạo thành đường thẳng. Ống mắt cá thì ngược lại, nhấn mạnh thêm hiệu ứng méo tạo ra những bức ảnh rất riêng, dùng ống này chụp chân dung cho một cái mũi phồng ra tựa tranh biếm hoạ vậy.
Ống mắt cá hữu dụng bởi ba lý do: Thứ nhất, đây là cách rẻ nhất để tạo ra ống siêu rộng, vì vậy ống mắt cá rẻ hơn các ống siêu rộng “thẳng” tương đương. Thứ hai, và là lý do chính khiến ống này có mặt trên đời, ống mắt cá có thể tạo ra góc nhìn 1800, cực kỳ hữu ích cho ảnh khoa học, nhất là khi chụp bầu trời. Thứ ba, hiệu ứng làm méo hình đôi khi cho ra những bức ảnh khá vui vẻ và kỳ lạ.
Có hai loại ống mắt cá: Ống tròn hay ống mắt cá 1800 bao phủ (trong phần lớn trường hợp) góc thu hình 1800, tạo ra bức ảnh trông như quả bóng trên nền đen nhưng góc nhìn đủ 1800 ngang theo mọi cạnh bức ảnh. Một dạng ống khác đôi khi gọi là “nửa mắt cá” hay ống “toàn khung” tạo ra vùng nhìn thu nhỏ và bạn không bị các vùng đen ở các góc bức ảnh, nhưng góc nhìn chỉ đạt 1800 theo đường chéo bức hình (theo cạnh ảnh nó chỉ đạt khoảng 1200-nd ).
Trên máy phim 35mm, ống mắt cá “tròn” có chiều dài tiêu cự là 8mm, ống “nửa mắt cá” có chiều dài tiêu cự 15 đến 16mm. Về các ống “gần tròn”, Sigma bán ống 8mm, lấy nét tự động cho máy EOS, Peleng (Belarus) bán ống 8mm, lấy nét tay cũng lắp được cho EOS. Về các ống “toàn khung”, Canon bán ống 15mm, lấy nét tự động cho EOS và Zenitar (Nga) bán ống 16mm, lấy nét tay, cũng lắp được cho EOS. Cũng có các ống nối vặn ren để chuyển các ống thường thành các ống mắt cá tuy chất lượng các ống nối này thấp nhưng cũng khá thú vị khi xài chúng.
Nhiều dân chơi ảnh coi các ống mắt cá chỉ là tàn dư của những năm 1970. Thực tình mà nói, ống loại này với các hiệu ứng của nó khá lợi hại trong một số trường hợp, tuy nhiên chắc chắn đây không phải ống sử dụng thường xuyên. Chụp ảnh dưới nước hoặc ảnh thiên nhiên, nơi có ít đường thẳng, thì ống mắt cá sẽ là công cụ hữu ích.
NK Guy (photonotes.org) - Dịch bởi A60 (vnphoto.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét