Một số câu hỏi thường gặp về ống kính - Phần 1


V.1. Liệu có thể thay ống kính khi vẫn còn phim bên trong?
Tất nhiên là được, ta có thể thay ống kính bất kỳ lúc nào ta muốn. Thân máy có lắp màn trập ngăn không cho ánh sáng tiếp xúc với mặt phim.Hiển nhiên là không nên thay ống kính khi bạn đang ở ngoài mưa hay trong cơn gió cát và cũng đừng chạm tay vào màn trập.

V.2. Liệu có các vấn đề tương thích giữa các ống kính EF của Canon?
Về cơ bản thì không, bất kỳ ống kính ngàm EF nào cũng hoạt động tốt trên mọi hệ thống EOS.
Chỉ có vấn đề nhỏ với hệ thống ổn định hình ảnh (IS) khi lắp trên một số máy EOS cũ- Ống kính vẫn hoạt động nhưng IS có thể không bình thường, ảnh có thể vẫn bị rung khi bấm máy. Tuy nhiên chất lượng nói chung của cả bức ảnh không bị ảnh hưởng gì. Các ống kính chỉ lấy nét tự động không dùng được trên các thân máy EF-M, một loại thân máy không lắp mạch điện tự động lấy nét và chỉ dùng các ống lấy nét bằng tay.
Vấn đề tương thích chỉ nảy sinh khi có ống kính EF-S, vì nó khác các ống EF. Ống EF-S đánh dấu bằng một hình vuông trắng chỉ lắp được trên các thân máy EF-S
V.3. Vấn đề tương thích của các nhà sản xuất ống EF độc lập?
Đôi khi có. Một số ống kính lai, đặc biệt là nhiều ống kính đời cũ của Sigma, không làm việc tốt trên vài thân máy đời mới như Elan 7/EOS 30/33 và máy số EOS 10D. Triệu chứng hay gặp nhất là lúc gương phản chiếu lật lên, máy bị treo luôn (khi ta nhấn nút chụp) sau đó bạn phải khởi động lại máy ảnh.Giải pháp duy nhất là nhờ hãng mẹ nâng cấp ống kính cho bạn, khá rắc rối!
Chỉ có một hãng ít gặp các vấn đề về tương thích là Tamron. Một số người phỏng đoán rằng có lẽ Tamron có giấy phép chính thức của Canon, tuy nhiên Canon tại Mỹ luôn luôn bác bỏ mọi khả năng cấp phép cho bất kỳ hãng ống kính nào. Vì vậy, hoặc là Tamron gặp may hoặc là họ rất giỏi trong việc nghiên cứu các hệ thống của Canon, chỉ biết là Tamron rất ít gặp các vấn đề về tương thích, nhưng về lâu dài cũng chưa biết thế nào.
Sigma thông báo một số ống kính cần nâng cấp để dùng cho các máy ảnh EOS mới:
24-70mm 3.5-5.6 aspherical UC
28-80mm 3.5-5.6 mini zoom macro aspherical
28-80mm 3.5-5.6 mini zoom macro aspherical HF
28-80mm 3.5-5.6 mini zoom macro II aspherical
28-105mm 2.8-4 aspherical
28-105mm 3.8-5.6 UC-III aspherical IF
28-135mm 3.8-5.6 aspherical IF macro
28-200mm 3.5-5.6 DL aspherical IF hyperzoom macro
28-300mm 3.5-6.3 DL aspherical IF hyperzoom
70-210mm 4-5.6 UC-II
70-300mm 4-5.6 APO macro super
70-300mm 4-5.6 DL macro super
100-300mm 4.5-6.7 DL
135-400mm 4.5-5.6 APO aspherical RF
170-500mm 5-6.3 APO aspherical RF
8mm 4 EX circular fisheye
15mm 2.8 EX diagonal fisheye
24mm 2.8
28mm 1.8 II aspherical
50mm 2.8 EX macro
105mm 2.8 EX macro
300mm 4 APO tele macro
400mm 5.6 APO tele macro
500mm 4.5 APO
500mm 7.2 APO
800mm 5.6 APO
28-70mm 2.8-4 UC
28-105mm 4-5.6 UC
28-105mm 4-5.6 UC-II
70-210mm 3.5-4.5 APO macro
28-200mm 3.8-5.6 aspherical UC
V.4. Liệu có dùng được các ống kính lấy nét tay trước đây của Canon trên các máy ảnh EOS?
Đáng tiếc là không. Trước khi giới thiệu máy ảnh EOS lấy nét tự động, Canon bán nhiều ống kính lấy nét bằng tay cho các máy ảnh phim SLR. Phần lớn các ống kính này là dạng FD, đáng buồn là ống kính FD không dùng được cho hệ EOS. Ngàm gắn không tương thích cả về cỡ và kiểu. Tương phản với Nikon, phần lớn các ống kính lấy nét tay dòng F của Nikon đều hoạt động trên các máy lấy nét tự động.
Có thể dùng vòng nối để lắp ống FD lên máy EOS, nhưng điều này ít có giá trị, có quá nhiều nhược điểm.
V.5. Liệu có thể dùng cá ống kính không phải của Canon trên máy EOS?
Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhiều hãng sản xuất ống kính (Tamron, Sigma và Tokina là ba hãng lớn nhất) thiết kế sản phẩm của mình cho dòng EOS. Các ống này đương nhiên hoạt động tốt trên EOS, vấn đề chính chỉ liên quan đến các mạch điện như đã được đề cập.
Nếu ta có một ống kính lai không lắp vừa trên thân EOS thì có thể biết ngay là nó không làm việc được với EOS, tuy có thể dùng các ống nối nhưng kết quả đem lại ít khả quan. Lấy nét tự động không làm việc, khẩu độ phải đặt ngay trên ống kính. Vì vậy việc dùng các ống kính này chỉ có ít nhiều giá trị nếu ống kính là loại đặc biệt hiếm có hoặc ví tiền của bạn cực kỳ “hẻo”.
V.6. Liệu có thể lắp ống kính dòng “L” lên một thân máy phổ thông?
Đương nhiên được. Bất kỳ thân máy EOS nào cũng tương thích với mọi ống EF (hoặc tương đương).
Vấn đề chính ở đây là trọng lượng, các ống kính nặng có thể làm ngàm gắn luôn trong trạng thái “quá tải”. Khi dùng ta nên chú ý để ống kính luôn ở phía trên thân máy, trọng lượng của thân máy không thể làm hỏng ngàm gắn. Điều này phải để tâm nhiều hơn nếu thân máy của bạn có ngàm gắn bằng nhựa.
Nếu ống kính quá lớn bạn nên loại chân máy gắn vào ống kính thay vì vào thân máy.
Thân máy phổ thông không thể định thời chụp hoàn toàn bằng thay, tốc độ lấy nét (phụ thuộc cả tốc độ mô tơ của ống kính và tốc độ của máy tính trong thân máy) và tốc độ kéo phim không địch được với các máy chuyên nghiệp, tuy nhiên, dùng ống kính “xịn” trên một thân máy dạng này là một ý tưởng hay, nếu không có điều kiện bạn có thể thuê một ống kính “chuyên nghiệp”, một cách để nâng cao tay nghề hữu hiệu.
Lắp ống kính xịn như 70-200 2.8L lên chiếc máy ảnh tý hon Rebel Ti trông có vẻ hơi tức cười, nhưng như vậy còn tốt hơn nhiều bỏ ra cả đống tiền tậu một thân máy EOS 1V với một ống kính bình dân.
V.7. Khẩu độ f/8 là một khẩu độ quan trọng?
Phần lớn các ống kính đều nét nhất ở đoạn giữa độ mở của nó. Khi khẩu mở lớn nhất chất lượng ảnh thường có vấn đề. Giảm khẩu độ đi là cách làm hay, nhưng chớ lạm dụng, nếu khẩu độ giảm nhỏ quá mức, hiện tượng nhiễu xạ sẽ phát sinh làm giảm chất lượng ảnh. Phần lớn các ống kính làm việc tốt nhất ở quãng f/8 hoặc f/11
Thường thì điểm nét nhất (đôi khi còn được gọi là “điểm thuần khiết” (sweet spot)) không như nhau với các ống kính khác nhau, muốn biết đích xác ta phải thử ống kính. Hiệu ứng này khá rõ với các ống kính bình dân, nhưng trên các ống kính đắt tiền thường thì ảnh sắc nét trên cả quãng khẩu độ lớn.
V.8. Thế nào là sự nhân tiêu cự (hay hệ số thu nhỏ) với máy số và máy APS?
Phim 35 mm có khung hình 24 x 36 mm, toàn bộ khung hình này dùng cho việc ghi lại ảnh.
Sản xuất cảm biến ảnh cỡ 24x36 rất đắt tiền, trên các dòng máy tầm trung và tầm thấp, kích thước cảm biến ảnh nhỏ hơn, tương tự phim APS chỉ có cỡ 16,7x30,2mm. Khi chụp trên các máy này giống như khi ta dùng phim 35mm sau đó cúp cắt đi phần ngoài rìa (ảnh hiện lên trên khung hình lọt trong khung phim 35mm sau đó phần rìa bị cắt bỏ).
Hệ số thu nhỏ này thường bị lẫn lộn với hệ số nhân tiêu cự, do bị cúp cắt bớt nên ống kính 50mm lắp trên máy phim APS hoạt động như ống 70mm lắp trên máy phim 35mm, không phải do tiêu cự bị thay đổi mà do sự cúp cắt hình ảnh. Hệ số thu nhỏ đôi khi được thể hiện dạng số 1.3x hoặc 1.6x.
Nếu ta sử dụng ống kính chụp các vật ở xa, đây là một lợi thế, nhưng nếu chụp ở góc rộng, đây lại là yếu điểm vì ống kính góc rộng sẽ ít ấn tượng hơn nếu bị cắt đi phần ngoài rìa.
Một số ý kiến cho rằng hệ số này làm thay đổi định dạng tấm ảnh, thay đổi cả việc dùng các ống kính vốn được thiết kế cho định dạng ảnh khác. Điều này phần nào cũng đúng.
Giả sử ta có ống kính 100mm. Dùng trên máy 35mm ta có một góc thu hình nhất định. Nếu gắn lên máy có hệ số thu nhỏ 1.6x, góc thu hình của ta sẽ nhỏ đi và góc này tương đương với góc thu hình của ống kính 160mm trên máy 35mm.
V.9. Làm gì khi bụi vào ống kính?
Không may đây lại là vấn đề khá hay gặp. Chỉ có một số ống L đắt tiền mới có gioăng chống bụi. Mọi ống kính khác đều có nhiều khe, kẽ và không khí cũng như bụi dễ dàng lọt vào. Các ống kính đa tiêu cự càng hay bị mỗi khi ta điều chỉnh tiêu cự của nó. Nếu có chút bụi trong ống kính thì cũng chưa có vấn đề gì. Nhưng sẽ đáng ngại nếu bạn thấy các vệt bẩn khi hướng ống kính ngược sáng. Tháo ống kính và lau hết bụi bên trong là vô cùng phức tạp và tốn tiền, chẳng có gì đảm bảo là các thấu kính được lắp lại như cũ. Vì vậy trừ khi bụi ảnh hưởng rất nặng đến tấm ảnh, bạn không nên cố lau sạch các hạt bụi này.
V.10. Nếu có một vết xước ở thấu kính ngoài cùng thì sao?
Những vết xước hoặc sứt sẹo rất nhỏ trên thấu kính ngoài cùng thường làm người ta hốt hoảng, nhưng thực sự, trong phần lớn trường hợp chụp, chúng không làm ảnh hưởng đến chất lượng tấm ảnh vì chúng nằm quá xa mặt cảm biến nên không thể canh nét thấy. Tuy nhiên, chúng có thể gây loé, vì vậy nếu có thể ta nên tô đen các vết sứt này. Nếu các vết xước quá lớn (dài hơn vài mm) thì có thể gây ra vấn đề, các vết xước nằm trên thấu kính phía sau còn gây phiền toái hơn nữa.
V.11. Liệu có thể lắp ống nối để biến ống kính 50mm thành ống 100mm được không?
Có và không. Một câu trả lời chính xác rất phức tạp, nhưng xu hướng là không thể. Các ống nối (Canon gọi là các ống “extenders”) là các phụ kiện quang học để tạo sự tương thích giữa thân máy và ống kính. Thực ra đây chỉ là các ống nối với vài ba thấu kính bên trong để làm tăng chiều dài tiêu cự của ống kính đang dùng- thường gấp 1.4 đến 2 lần. Ống 50mm với ống nối 1.4x (TC) cho ảnh giống ống kính 70mm, và với ống nối 2x cho ảnh giống ống 100mm. Các ống nối này tương tự như một kính lúp vậy, chúng phóng to phần giữa ảnh và cắt đi phần ngoài rìa.
 
Nhưng mọi giải pháp đều có hai mặt của nó, dùng ống nối ta gặp phải ba vấn đề:
 
- Các ống nối làm giảm lượng ánh sáng vào ảnh. Ống 1.4x làm giảm ánh sáng tương đương 1 khẩu độ, ống 2x tương đương 2 khẩu. Với các ống kính chậm điều này rất phiền toái. Nếu dùng ống nối, ta có thể không lấy nét tự động được vì phần lớn các thân máy EOS (kể cả thân máy chuyên nghiệp) không thể lấy nét tự động (hoặc lấy không chính xác) với các ống kính chậm hơn f/5.6. Đôi khi các ống nối có các cực đấu điện “đánh lừa” thân máy, nhưng suy cho cùng lượng sáng vào máy không đủ sẽ làm hệ thống tự động lấy nét hoạt động không chính xác. Việc lấy nét tay cũng rất khó nếu bạn nhìn qua một khung ngắm tối um, nhất là với ống kính chậm.
 
- Các ống nối gây ra vấn đề về tương thích. Canon chế tạo hai ống nối Extender EF 1.4x và Extender EF 2x chuyên dành cho vài ống kính tiêu cự dài đắt tiền. Thấu kính ngoài cùng của các ống nối này thò ra ngoài nên không thể gắn lên phần lớn các ống EF khác, ta có thể xoay xoả bằng cách chêm vào giữa ống kính và ống nối nhưng lại càng giảm lượng sáng đi vào cảm biến, mất luôn cả việc lấy nét ở vô cực. Tamron và Kenko bán các ống nối không có phần thò ra thêm này nên có thể lắp cho mọi ống kính EOS (nhưng nhớ là ống nối không làm việc tốt với các ống kính không phải tiêu cự dài). Các ống nối này có nhiều cấp chất lượng. Nhóm chất lượng nhất (cũng đắt nhất như Kenko Teleplus Pro 300 DG chẳng hạn) có chất lượng quang học khá tốt, tuy không được như các ống nối của Canon.
 
- Mọi ống nối đều phần nào làm giảm chất lượng ảnh vì hai lý do: thứ nhất, có nhiều thấu kính hơn giữa mặt cảm biến và đối tượng chụp, thứ hai, ta chỉ dùng được có phần ở giữa của ống kính mà thôi. Ống nối 2x phóng to phần giữa ảnh nhiều hơn ống 1.4x, nên chất lượng quang kém hơn ống 1.4x. Nếu dùng ống kính L với ống nối chính hãng, ảnh ít bị mất chất lượng hơn. Nếu xài ống đa tiêu cự bình dân với ống nối không chính hãng, ta sẽ thấy ảnh sau cùng mất chất thế nào. Thực tế, ta có thể dùng phần mềm cắt bớt rìa ảnh, phóng to phần giữa ảnh lên, vừa ít suy giảm chất lượng, vừa tiết kiệm kinh phí.
Vậy câu trả lời sau cùng như sau: Nếu bạn có một ống kính “xịn”, xài ống nối “xịn” bạn có thể tăng được tiêu cự ống kính với chút mất mát về ánh sáng. Nếu bạn chỉ có ống kính bình dân thì đừng tốn tiền mua ống nối!!
 
Danh sách tương thích của ống nối Canon:
 
Các ống nối Canon tương thích với mọi ống kính một tiêu cự Canon EF có chiều dài tiêu cự bằng hoặc dài hơn 135mm (trừ ống 135mm 2.8 SF). Các ống nối này cũng tương thích với một số ống kính đa tiêu cự dòng L sau đây:
70-200mm 2.8L
70-200mm 2.8L IS
70-200mm 4L
100-400mm 4.5-5.6L
400mm 4 DO
135mm 2L
180mm 3.5L Macro
200mm 1.8L
200mm 2.8L
300mm 2.8L IS
300mm 4L
300mm 4L IS
400mm 2.8L IS
400mm 5.6L
500mm 4L IS
600mm 4L IS
1200mm f/5.6L
 
Ta cũng có thể dùng ống nối Canon cho ống kính nghiêng TS của Canon nhưng các ống kính nghiêng có thể không báo cho thân máy về sự hiện diện của ống nối.
 
Khi ống nối 1.4x được dùng trên thân máy nghiệp dư với các ống kính 100-400mm 5.6L, 400mm 5.6L, 500mm 4.5L, 1200mm 5.6L, với ống 180mm 3.5 Macro khi lấy nét gần hơn 0,8m hoặc ống nối 2x dùng kèm các ống kính 70-200mm 4L, 100-400mm 4.5-5.6L, 180mm 3.5L Macro, 300mm 4L IS, 300mm 4L, 400mm 4 DO, 400mm 5.6L, 500mm 4L, 500mm 4.5L, 600mm 4L, và 1200mm 5.6L thì ta có thể không lấy nét tự động được.
 
Cả hai đời ống nối Canon 1.4x và 2x (kể cả phiên bản II) đều có gioăng chắn nước. Ống 1.4x II có chất lượng quang học cao hơn hẳn đời trước, nhưng ống nối 2x II chỉ có chất lượng quang học cải tiến tí chút so với đời trước.
 
V.12. Phải làm gì để chụp cận cảnh?
 
Chụp cận cảnh vô cùng vất vả nhưng đôi khi được đền đáp thoả đáng. Những bức ảnh cận cảnh chi tiết có thể đem lại cho bạn cả một thế giới mới lạ. Đây là lý do tại sao lĩnh vực ảnh này lại nhiều thách thức như vậy.
 
Phần lớn ống kính không thể lấy nét ở khoảng cách đủ cho ra một bức ảnh cận cảnh đúng nghĩa, kể cả các ống kính có ghi ký hiệu “MACRO”.
Chế độ cận cảnh (ký hiệu bằng một bông hoa) trên các thân máy không giúp gì nhiều cho chụp cận cảnh vì chúng chỉ làm mỗi một việc là chuyển các chức năng của thân máy như chế độ đo sáng sang các thông số dễ chụp cận cảnh hơn mà thôi. Chế độ này không thể thay cho các chức năng của ống kính được.
 
Như đã đề cập, vùng ảnh rõ của các bức ảnh cận cảnh là cực kỳ cạn. Giải pháp thông thường để mở rộng vùng ảnh rõ là khép khẩu nhỏ lại và đương nhiên giảm lượng ánh sáng, gây ra nhiều vấn đề khác.
 
Thực tế, do khoảng cách từ đối tượng đến ống kính là rất nhỏ nên ánh sáng rất thiếu, càng thiếu hơn khi bạn khép khẩu nhỏ lại, đơn giản bởi chính ống kính của bạn che bớt ánh sáng tự nhiên. Vì lý do này, đèn flash là phụ kiện thường thấy khi chụp cận cảnh, nhất là flash vòng (gắn thành vòng tròn quanh đầu ngoài của ống kính). Đèn flash vòng này thường có hai nửa (bán nguyệt), ta có thể điều chỉnh cường độ sáng của hai nửa khác nhau để tạo thành bóng đổ cho ảnh. Nếu ít tiền bạn chỉ cần đơn giản là bọc đèn flash thường lại bằng vật liệu trong mờ để tán xạ ánh sáng.
 
Rắc rối ở chỗ, lấy nét tự động thường không làm việc tốt khi chụp cận cảnh, đặc biệt khi dùng ống nối. Bạn nên dùng thân máy hỗ trợ lấy nét tay, phần nào nó còn giúp cho việc quan sát qua kính ngắm được rõ ràng hơn. Việc chỉnh nét tinh tế đến mức nhiều nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm không chỉnh nét bằng vòng chỉnh trên ống kính, mà lại di chuyển thân máy để lấy nét. Ta có thể mua các đường ray (một hoặc hai thanh) chuyên dụng và di chuyển máy ảnh trên các ray đó để lấy nét theo kiểu này.
 
Khi chụp cận cảnh mọi chuyển động dù nhỏ nhất cũng bị khuếch đại lên. Cứ thử hình dung bạn đang chụp một mạng nhện trong một buổi ban mai mù sương, những giọt nước đọng trên mạng nhện tựa như những quả cầu pha lê nho nhỏ vậy. Chỉ một hơi thở nhẹ cũng đủ làm cho cái mạng nhện rung lên, chao đảo đến mức gây mờ trong ảnh. Lúc này bạn phải cần một chân máy vì cầm máy bằng tay làm rung thân máy hơn nữa, có thể bạn phải đánh flash để “đóng băng” hình ảnh.
 
Để chụp cận cảnh có 6 cách cơ bản sau:
 
- Mua một ống kính cận cảnh chuyên dụng, tỷ lệ phóng to 1:1.
 
Phương án tốn kém nhất vì ống kính loại này không hề rẻ, nhưng lại là lựa chọn cho chất lượng tốt nhất. Ống kính cận cảnh có nhiều tiêu cự khác nhau, từ 50mm đến 90, hoặc từ 100 đến 180mm. Ưu thế của ống kính dài là bạn giữ được khoảng cách nhất định đến đối tượng. Một ống 50 mm khó chụp một con bướm trong tự nhiên vì bạn phải tiến đến gần con bướm hơn, ống kính 180mm cho phép bạn giữ được khoảng cách an toàn để không làm con bướm bay mất, dĩ nhiên là ống 180mm khá đắt. Tiêu cự 90/100 được coi là phù hợp cả về giá và ưu thế khoảng cách.
 
Dòng EF có 6 ống kính cận cảnh 1:1 là:
EF 50mm f2.5 Macro (cho tỷ lệ 1:2 và cần đến ống nối Life Size Converter EF để đạt 1:1)
EF 100mm 2.8 Macro (đã ngừng sản xuất)
EF 100mm 2.8 Macro USM,
Ống kính cao cấp EF 180mm 3.5L Macro USM
EF-S 60mm 2.8 macro, chỉ gắn cho thân máy EF-S.
Ống kính đặc biệt MP-E 65mm lens
Một ống kính nữa rất được ưa chuộng tuy không phải của Canon là ống Tamron 90mm macro.
 
- Mua một kính lọc cận cảnh (macro filter).
 
Thiết bị này vặn vào đầu ống kính như một kính lọc thông thường, nó đóng vai trò như một kính lúp phóng đại. Mức độ phóng đại phụ thuộc chiều dày của kính lọc và tiêu cự của ống kính chính. Kính lọc này trong suốt nhưng cải tiến được chất lượng ảnh tuỳ vào chất lượng quang học của nó. Do kính nhẹ, cơ động và trong suốt nên cho phép lấy nét tự động. Thường thì thiết bị này chỉ phù hợp cho người mới chơi ảnh khám phá thế giới của ảnh cận cảnh.
 
Ta có thể mua kính lọc đơn chứa duy nhất một thấu kính hoặc kính lọc đôi chứa một cặp thấu kính. Kính đôi đắt hơn nhưng chất lượng quang học tốt hơn. Kính lọc cận cảnh có nhiều loại đường kính khác nhau phù hợp cho nhiều ống kính khác nhau, nhưng đôi khi cũng cần một đoạn nối mới lắp được.
Canon có 2 kính lọc đôi 250D và 500D, cái đầu dùng cho ống kính ngắn khoảng 30-135mm, cái sau xài cho ống kính dài 70 đến 300mm. Kính lọc kiểu 500 thì không được tốt lắm vì là kính đơn. Bạn cũng có thể dùng kính lọc kiểu này của Nikon (ký hiệu 3T, 4T, 5T và 6T) chất lượng khá cao mà lại rẻ hơn đồ Canon.
 
- Mua một ống nối dài (ET)
 
Là một ống nhựa rỗng, lắp giữa ống kính và thân máy. Ống này tăng khoảng cách giữa ống kính và mặt cảm biến nên giảm khoảng cách lấy nét của ống kính (nghĩa là bạn có thể dí sát ống kính hơn vào đối tượng để lấy nét). Ống này khiến bạn không lấy nét được ở vô cực, nhưng rất tốt cho việc lấy nét cận cảnh. Ông nối cũng làm giảm lượng sáng vào mặt cảm biến, nhưng không như kính lọc, nó không làm giảm chất lượng ảnh vì nó không chứa thấu kính nào cả. Độ phóng đại thu được phụ thuộc cả chiều dài ống nối và tiêu cự ống kính chính. Một số ống kính, đặc biệt là ống góc rộng và và các ống chuyên dụng như 15mm 2.8 fisheye, 14mm 2.8L và MP-E 65mm 2.8 không tương thích được với ống nối loại này. Các ống kính EF-S đời mới có thể chỉ lắp được với các ống nối phiên bản II của Canon như Extension Tubes EF 12 II và EF 25 II
 
Ống nối của Canon khá đắt, bộ ba ống nối 12mm, 20mm và 36mm của Kenko rẻ hơn dù chất lượng khá tốt. Tuy nhiên các ống nối của Kenko chỉ tương thích ống kính EF, không lắp được cho EF-S.
 
Các hộp xếp cũng rất đắc dụng khi chụp cận cảnh, chúng chỉ đơn giản là các hộp cấu tạo xếp lớp, sẽ xẹp xuống khi bạn ép chúng lại. Hãng Novoflex bán nhiều sản phẩm dạng này cho máy EOS, hoặc ta có thể dùng lại các hộp xếp cho thế hệ ống kính FD trước kia và chế cho vừa các ống EF. Hộp xếp thường dùng kèm các thanh ray để lấy nét chính xác hơn.
 
- Đảo ngược ống kính và lắp và thân máy
 
Bạn phải dùng vòng chuyển đổi, một đầu lắp được vào ngàm EF của thân máy, đầu kia lắp vào vòng ren (dùng cho lắp kính lọc) của ống kính. Đây là thủ thuật rất cổ xưa để chụp cận cảnh.
 
Với các ống kính dùng cho EOS, ta không dùng được các đầu nối điện để điều khiển việc đóng mở lỗ sáng nên phải khắc phục bằng các cách khác nhau như:
 
Đặt độ mở ống kính trước theo giá trị mong muốn, ấn nút xem trước chiều sâu ảnh để đóng khẩu lại, gỡ ống kính ra, đảo đầu và chụp. Thật bất tiện, không thể thay đổi khẩu độ nếu không lắp lại ống kính như cũ.
 
Không dùng ống kính EF, mọi ống kính 35mm đều có thể lắp theo kiểu này vì suy cho cùng bạn đâu có dùng ngàm gắn thông thường nữa.
Mua một bộ chuyển chuyên dụng của Novoflex, khá đắt, nhưng có đầy đủ các đầu tiếp điện để điều chỉnh lỗ sáng.
 
- Gắn một ống kính đảo ngược lên một ống kính khác.
 
Thủ thuật cũ rích là gắn một ống kính 50mm (ống tịêu chuẩn) lên một ống kính khác nhưng đảo đầu (tức là gắn đầu lắp kính lọc của ống kính 50 vào đầu lắp kính lọc của ống kính chính nhờ một vòng chuyển đổi). Nếu ống kính ngược là ống EF thì ta không chỉnh được khẩu độ, nhưng nếu là ống kính cơ hoàn toàn thì vẫn chỉnh được như thường. Một ống kính 50 đảo, lắp lên ống kính 100mm cho tỷ lệ phóng 2x dù mất khá nhiều lượng sáng.
 
- Tậu một ống kính Canon MP-E 65mm
 
Một ống kính chuyên dụng rất hiếm gặp chỉ chuyên thiết kế cho ảnh cận cảnh. Nó không dùng được cho các mục đích khác như các ống kính cận cảnh 1:1 thông thường. Tỷ lệ phóng đại của ống kính này lên đến 5:1 thừa sức biến một hình chữ nhật 5x7mm điền đầy cả khung hình phim 35mm.
 
Xài ống kính này có vài bất tiện: Thứ nhất, nó chỉ dùng được nó cho ảnh “siêu cận cảnh” không thể dùng cho các mục đích khác vì nó chỉ lấy nét được ở rất gần. Thứ hai, vấn đề muôn thủa của ảnh cận cảnh- vùng ảnh rõ cực cạn rất khó miêu tả được hết cả một đối tượng. Thứ ba, hệ thống đo sáng chỉ làm việc với thân máy dòng EOS 1, mọi thân máy khác chỉ làm việc khi có chế độ đo sáng flash qua ống kính (TTL) và thứ tư, việc lấy nét qua khung ngắm đôi khi không đủ chính xác.
 
V.13. Liệu có thể dùng ống kính Canon 100mm macro để chụp chân dung không?
 
Chắc chắn là được. Các ống kính 100mm macro và ống cận cảnh có USM rất tốt cho chụp chân dung ngoài khả năng chụp cận cảnh. Chỉ có điều, đây là các ống kính cho ảnh rất sắc nét, mà một số người thích ống kính “mềm” hơn cho chụp chân dung, nhất là chân dung phụ nữ. Nếu bạn thuộc trường phái này thì có thể lắp thêm một kính lọc tiêu cự mềm cho ống kính.
 
V.14. Tại sao giờ đây mọi thứ đều làm bằng nhựa, điều gì sẽ xảy ra cho các ống kính bằng kim loại trước kia?
 
Rất nhiều ống kính của những thập niên 60 và 70 là những kiện tác thực sự với vỏ ống kính bằng kim loại nguyên khối, lấy nét cực êm bằng những đường xoắn ốc và vô số các bộ phận chính xác cao. Ngày nay thì nhiều ống kính có vỏ bằng nhựa. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: nào là do sự hoạt động của hệ thống lấy nét tự động, do giá nhân công tăng, do thị trường SLR thu nhỏ, do công nghệ chất dẻo tiến bộ, do mong muốn làm ra những sản phẩm nhẹ hơn, do vấn đề lợi nhuận…vv và vv
 
Chắc chắn hoạt động lấy nét tự động là nguyên nhân chính. Các ống kính lấy nét tự động với các truyền động bánh răng đòi hỏi dung sai lớn hơn, nó cũng không dùng các đường xoắn ốc dài vì làm tốn pin và tốn thời gian lấy nét hơn. Các ống kính lấy nét tay với các đường xoắn ốc được chế tạo với dung sai nhỏ hơn nhiều.
 
Dùng nhiều chất dẻo cũng có những lợi ích nhất định. Chất dẻo co dãn hơn và không dễ bị mẻ như kim loại, chúng cũng nhẹ hơn và rẻ hơn khi chế tạo.
Tuy vậy các ống kính kim loại trước đây cho ta một cảm giác rất tuyệt về độ chính xác cao, độ hoàn hảo mà các ống kính nhựa không thể có. Các ống kính lấy nét tự động giá trung bình thì khó mà có vỏ bằng kim loại. Tất nhiên, cũng có nhiều ống kính dòng L có vỏ là kim loại khối và cảm giác rất chính xác khi quay vòng lấy nét. Vì thế nếu bạn phải bỏ ra nhiều tiền mới có được một ống kính vỏ kim loại và vẫn lấy nét tự động được.
 
Canon đã từng dùng ba loại chất dẻo khác nhau cho các đời ống kính.
Thế hệ ống kính EF đầu tiên dùng loại nhựa cứng, khá dễ vỡ (tạm gọi là loại I- tuy không phải là phân hạng chính thức của Canon). Vật liệu này được đúc với bề mặt hơi ram ráp, các ống kính đều có các đường gờ chạy dọc theo đường sinh, ngắn lại ở những chỗ bị co nhỏ. Vòng lấy nét và chỉnh tiêu cự thường không được phủ cao su chống trượt. 50mm 1.8 mark I là ống kính đặc trưng của thiết kế những năm 80.
 
Thế hệ ống kính thứ hai, đặc biệt là dòng L màu đen và các ống nghiệp dư cao cấp, chế tạo từ loại chất dẻo đen và đàn hồi hơn loại I (tạm gọi là loại II). Các ống kính này có vỏ trơn tru hơn loại I và bề mặt vỏ có xu hướng hơi vuốt nhỏ lại chứ không phải hình trụ thuần tuý, vòng lấy nét và chỉnh tiêu cự được tráng lớp cao su. Ống 28-105 3.5-4.5 USM và 135mm 2.0L USM là các đặc trưng cho thiết kế này. Thế hệ ống kính này ra đời cuối những năm 90.
 
Cuối cùng là thế hệ ống kính phổ thông những năm gần đây, chế tạo hoàn toàn bằng nhựa trơn, nhẹ tạm gọi là loại III. Thế hệ này thường có vòng chỉnh tiêu cự bọc lớp cao su to hơn cả mức cần thiết, một số được trang trí bằng vòng crôm sáng loáng để hấp dẫn người tiêu thụ. Ống EF-S 18-55 3.5-5.6 là thí dụ điển hình.
 
V.15. Chiều dài tiêu cự là gì?
 
Chiều dài tiêu cự là đặc tính quang học cơ bản của mọi ống kính và là yếu tố quan trọng nhất của mọi nhiếp ảnh gia. Hình dung đơn giản nhất về chiều dài tiêu cự là một trị số, đo bằng mm, biểu thị vùng thu hình mà ống kính có thể thực hiện.
 
Chiều dài tiêu cự của các ống kính SLR từ siêu rộng (14mm) đến siêu dài (600 và 1200mm). Vùng thông dụng nhất của các ống kính này là 28 đến 105mm.
 
Vậy tại sao lại đo bằng mm? tại sao không biểu thị luôn bằng góc thu hình của ống kính? Điều này một phần vì thói quen trong cả lịch sử, phần khác vì thực tế sử dụng. Định nghĩa về chiều dài tiêu cự đã bén rễ sâu trong các tính toán về quang học- đó chính là khoảng cách giữa mặt phẳng hội tụ và điểm tận cùng phía sau của ống kính khi đang lấy nét ở vô cực. Khi chuyển sang góc thu hình thì có đôi chút khác biệt phụ thuộc vào cỡ phim đang sử dụng vốn khác nhau giữa các máy ảnh 35mm, máy ảnh APS và các máy số. Trong thực hành, chiều dài tiêu cự là thuộc tính cơ bản nhất của ống kính, biểu thị vùng thu nhận ảnh thực tế phụ thuộc vào cỡ phim sử dụng.
 
Điều luôn phải ghi nhớ là mọi ví dụ trên đều ám chỉ cho máy ảnh phim 35mm hoặc các máy EOS toàn khung. Nếu bạn dùng ống kính 28m trên máy APS hoặc các máy số có cảm biến nhỏ hơn khung phim 35 thì vùng thu hình sẽ nhỏ đi đáng kể.
Khái niệm về chiều dài tiêu cự cũng được sử dụng cho các máy ảnh khác loại, kể cả trên các máy ảnh khung hình cỡ trung bình. Loại khung hình này thường cho một góc thu hình lớn hơn trên máy phim 35mm với cùng ống kính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét